Trà sữa – Thức uống giao thoa giữa các nền văn hoá

Hiện tại, trà sữa có mặt ở khắp mọi nơi, từ các thương hiệu trà sữa trân châu đang rất nổi tiếng với hàng dài những người xếp hàng mỗi ngày đến các chai, lọ đóng hộp đủ màu sắc trên kệ cửa hàng tiện lợi. Ta có từ món trà sữa Teh Tarik đi kèm vũ điệu “kéo” trà duyên dáng tại các hàng quán ven đường ở Malaysia, có tách Masalai Chai thơm lừng hương thảo mộc Ấn Độ, có các bữa tiệc trà Anh Quốc, nơi người ta thêm ít sữa tươi vào tách English Breakfast nóng cùng những viên đường và cũng có phiên bản trà bơ Tây Tạng vượt ngàn dặm xa xôi, với bơ và sữa được làm từ sữa bò Yak đặc biệt.

Ở nhiều nơi trên thế giới, trà và sữa gần như một cặp đôi “thiên mệnh”, và chúng đã gắn bó với nhau trong nhiều năm rồi. Tuy vậy, cũng từng có thời mà chẳng ai nghĩ rằng chúng thuộc về nhau, và phải mất đến gần trăm năm, cũng như biết bao cuộc cải cách, chuyển dời và giao thoa văn hoá mang tính lịch sử thì mới được công nhận rộng rãi như ngày nay.

Trà – một thức mang hương vị lá cây, thảo mộc, phần lớn thời gian mang theo sự đắng nhẫn, chua chua, hoàn toàn trái ngược với sữa – thức uống giàu protein và có vị béo, đôi khi còn mang theo chút tanh từ động vật. Hai món tưởng chừng như đi trên hai đường thẳng song song, chẳng ngờ chỉ vì gặp nhau mà… rẽ ngang!

Lịch sử của trà sữa kéo trong hàng trăm năm và khó có thể nói rõ được nó bắt đầu từ khi nào. Đến hiện tại, không ai chắc chắn rằng vùng nào hay nơi nào nghĩ đến việc đổ trà vào sữa đầu tiên. Một số tài liệu cho thấy rằng việc pha sữa với trà có từ khoảng thế kỷ 17 và 18 ở Anh và Pháp, và sớm nhất là ở Pháp, vào thế kỷ 17. Trong một bức thư của Madame de Sévigné (một phu nhân người Pháp), bà kể về phong cách uống trà của một người bạn của mình, Madame de la Sablière: “Phu nhân Sablière uống trà cùng với sữa, cô đã kể với tôi ngày nọ, rằng nó hợp khẩu vị của mình”.

Lá thư này được cho là một trong những tài liệu đầu tiên có nhắc đến việc cho sữa vào trà. Ở Anh Quốc, thói quen này lại được cho là không liên quan nhiều đến hương vị, mà vì để sữa có thể hạ bớt nhiệt độ của nước trà nóng, tránh làm vỡ ly, tách bằng sứ. Mặt khác, cũng có tài liệu cho rằng thói quen này xuất phát từ tầng lớp thấp của Anh Quốc ngày xưa, những người không có điều kiện mua loại trà tốt, chỉ có thể uống các loại trà có vị đắng và chát. Vậy nên việc cho sữa vào trà được cho là để trung hoà trà, giúp dễ uống hơn.

Ở khu vực châu Á, việc cho trà vào sữa được nhiều người cho rằng chịu ảnh hưởng bởi phương Tây, bắt nguồn từ khoảng 400 năm về trước. Kể từ thế kỷ 16, người Anh và Hà Lan đã thiết lập công ty Đông Ấn (East India Company) chuyên kinh doanh các món ăn, thực phẩm và vật dụng của phương Tây ở các nước thuộc địa lúc bấy giờ. Theo trang Ethnic Seattle, trà sữa được cho là được giới thiệu với các quốc gia phương Đông bằng cách này.

Trước đó, trà sữa ở các nước phương Tây hãy còn là một dạng trà uống cùng với sữa có vị nhạt và không mang theo vị ngọt, hiếm ai dùng thêm đường. Tuy nhiên, trong thời gian việc thực dân hoá diễn ra ở các nước châu Á, người Anh và người Hà Lan phải làm quen với các loại trà có vị mạnh của Ấn Độ. Để dễ uống hơn, người Hà Lan nghĩ ra việc thay thế một số hương liệu truyền thống của Ấn Độ bằng cách pha trộn các loại trà khác nhau, và thêm vào đó si rô thông (maple syrup). Sau đó, họ cho thêm sữa vào hỗn hợp này. Đây đã trở thành công thức trà sữa cơ bản. Trà sữa Đài Loan được cho là đã được phát triển dựa trên công thức này của người Hà Lan.

Trà sữa trân châu Đài Loan là một trong những thức uống nổi tiếng nhất trên thế giới ở hiện tại, và có rất nhiều câu chuyện phía sau sự ra đời của loại trà sữa “huyền thoại” này. Một trong số đó là vào năm 1984, một quán trà tên là Xuân Thuỷ Đường đã sáng tạo ra cách uống trà sữa cùng với các hạt trân châu dẻo. Theo như Xiuhui Liu – chủ nhân của Xuân Thuỷ Đường, do nét tương đồng của các hạt dẻo với những viên ngọc trai mà chúng được gọi là trân châu.

Có thể thấy, xuyên suốt hàng trăm năm, trà và sữa đã trải qua rất nhiều chuyện mới đạt tới vị thế như hiện tại. Bắt đầu từ thói quen của thiểu số (chỉ có thể nghe qua từ một lá thư tỉ tê giữa các quý phu nhân người Pháp), đến cách chống vỡ ly, tách, đến điều hoà hương vị, sau đó được mang đi khắp nơi trên thế giới và phát triển mạnh mẽ như hiện tại. Con đường đến với nhau của sữa và trà gắn liền với nhiều sự chuyển dời, đổi thay, nhưng sau tất cả, hai loại thức uống này vẫn “thuộc về nhau”, là thức uống thống trị trong lòng của nhiều người trên thế giới.

Nguồn: The Culture Trip, Ethnic Seattle, HistoryCode

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *