Tết Nguyên đán trong quan niệm của người Việt là cái Tết lớn nhất mà chúng ta không thể nào bỏ qua được. Người ta bôn ba, kiếm tiền khắp mọi nơi cũng chỉ là để mong có một cái Tết thật đầy đủ và sung túc. Trong không khí thiêng liêng đó, những phong tục được truyền từ ngàn đời xưa vẫn được người Việt trân trọng, giữ gìn và phát triển, như một mạch nguồn chảy mãi của văn hóa dân tộc. Hãy cùng nhau hướng về văn hóa cội nguồn tìm hiểu những phong tục ý nghĩa trong ngày Tết của người Việt.
Tục tiễn ông Công ông Táo
“Bếp có ấm, nhà mới an và giàu sang sẽ đến”. Cái bếp trong văn hóa người Việt vô cùng quan trọng, được coi là nơi giữ sự ấm áp trong nhà, gắn kết tất cả thành viên trong gia đình, khơi dậy sinh khí từ những ngày đầu năm. Bếp thiêng liêng nên từ xa xưa đã có “Thần” cai quản bếp, mà người Việt vẫn gọi các ngài là ông Công, ông Táo. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.Theo tục, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị Táo Quân sẽ lên chầu Trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công-tội, thưởng-phạt phân minh.
Và với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn, nên hàng năm, ngày 23 tháng Chạp, người ta thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời một cách long trọng.
Mâm ngũ quả ngày tết
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên mà chúng ta có được những đặc sản về hoa quả vô cùng phong phú và đa dạng. Người dân Việt Nam bao đời nay vẫn lưu giữ truyền thống chọn năm loại quả tinh túy, gần gũi nhất với cuộc sống thường nhật để xếp thành mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên trong những ngày lễ nói chung và dịp Tết nói riêng. Dù mỗi vùng miền có những loại quả khác nhau nhưng triết lý chung thì luôn đồng nhất.
Tục xông đất
Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa, “xông đất” đầu năm, còn gọi là “xông nhà” hay “đạp đất”, được các gia đình rất coi trọng.
Người Việt quan niệm nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà được lựa chọn cẩn thận. Theo đó, người xông nhà thường là người có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, xởi lởi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới…
Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết cùng phong bao lì xì kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Việc đón tiếp người xông đất cũng được chuẩn bị chu đáo. Thông thường, gia chủ sẽ chúc lại vị khách xông nhà, chuẩn bị đồ ăn thức uống để đón tiếp trong không khí đầm ấm, tràn đầy hy vọng. Người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phúc, chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm.
Tục tặng quà ngày tết
Tặng quà tết không chỉ là quan hệ tình cảm đơn thuần giữa người với người mà còn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, đạo lý làm người. Người Việt rất thận trọng trong mọi lời nói, cử chỉ trong dịp Tết nhằm cầu mong sự an lành, may mắn sẽ đến trong năm mới và tránh những điều xui xảy ra. Không biết từ bao giờ, văn hóa tặng quà Tết đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt. Mỗi món quà trang nhã, hình thức đẹp đẽ, gọn gàng và có ý nghĩa là lời chúc may mắn, tốt đẹp đến người nhận.
Tặng quà đòi hỏi người trao phải lựa chọn vật phẩm cẩn thận, hợp với tâm lý cũng như sở thích của người nhận. Bởi lúc đó, món quà dù to hay nhỏ, phổ biến hay sang trọng đều trở nên ý nghĩa.
Văn hoá tặng quà của tết xưa
Từ xưa, Tết là được xem là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Vào ngày Tết, ai cũng muốn chúc những lời tốt lành trong không khí vui vẻ, cầu mong năm mới tốt đẹp hơn. Đặc biệt, những món quà ngày tết tặng nhau là không thể thiếu. Văn hóa tặng quà của Tết xưa gắn liền với đạo lý uống nước nhớ nguồn, thương yêu kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô. Món quà không cần phải quý giá, chỉ cần cặp bánh chưng, cành đào, cây quất là đã thể hiện được tấm lòng yêu mến của mình với những người yêu quý.
Văn hoá tặng quà tết ngày nay
Xã hội ngày càng phát triển tuy nhiên những nét đẹp văn hóa ngày Tết vẫn không mai một mà ngày càng phát triển hơn. Văn hóa tặng quà Tết hiện nay vẫn kế thừa những giá trị xưa về lòng biết ơn, kính trọng nhưng có nhiều hình thức thể hiện. Với các món quà đa dạng, nhiều phân khúc, các cách tặng quà cũng khác nhau, việc tặng quà Tết ngày nay vẫn giữ được nét tinh tế và ý nghĩa.
Lì xì ngày tết
Tương truyền cứ đến đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, ma quỷ lại có cơ hội tự do. Có loài yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình và dễ bị bệnh. Một lần, có vài vị tiên đi qua thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên đứa trẻ. Khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng và chúng sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này cứ thế lan truyền, để rồi cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con để xua đuổi tà ma, cầu bình an cho đứa trẻ.
Ở Việt Nam, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới. Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán, con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền, như nhận tình yêu thương và lời chúc may mắn, hạnh phúc trong ngày đầu năm mới.
Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ. Tiền mừng tuổi không quan trọng số tiền nhiều hay ít, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn, thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau và lời chúc năm mới may mắn, đủ đầy.