Tìm Hiểu Trà Sữa Đậm Vị “Hot Trend” Của Các Thương Hiệu Nổi Tiếng

Trà sữa đậm vị đang là xu hướng thức uống rất được giới trẻ săn đón hiện nay. Hầu hết các thương hiệu kinh doanh trà, cà phê nổi tiếng như Phúc Long, Phê La, Cheese Coffee, hay Katinat đều nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng là một thương hiệu phục vụ trà sữa đậm vị và đạt chất lượng cao. Vậy chính xác xu hướng trà sữa đậm vị xuất phát từ đâu, khi nào? Và các món trà sữa đậm vị nổi tiếng trong menu của các thương hiệu có những cái tên nào? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau đây. 

1. Tìm hiểu về xu hướng trà sữa đậm vị

1.1. Trà sữa đậm vị là gì?  

Cốt trà ngon và thơm là linh hồn của một ly trà sữa, quyết định đến chất lượng thành phẩm sau khi pha chế. Điểm nổi bật của trà sữa đậm vị chính là cốt trà thơm đậm đà được thu hoạch hoàn toàn tự nhiên, đạt chất lượng cao và không cho cảm giác đại trà như các loại nguyên liệu công nghiệp. Trà sữa đậm vị sẽ có vị trà rõ nét, nồng đậm nhưng lại không hề đắng gắt, rất dễ uống và thoảng hương thơm đặc trưng của từng loại trà khi được ủ đúng cách. Đặc biệt, nếu kết hợp cùng với sữa béo sẽ càng tạo nên hương vị hấp dẫn hơn. Hương vị đậm tự nhiên của trà hòa quyện cùng vị thơm ngọt của sữa mang đến thứ thức uống trà sữa đậm vị được rất nhiều bạn trẻ yêu thích hiện nay. 

Trà sữa đậm vị chủ yếu sử dụng trà đen (hồng trà) hoặc trà oolong để pha chế, nhưng một số quán cũng có thể sử dụng trà Thiết Quan Âm hoặc trà thái (trà Cha Yen) để thay thế. Mỗi loại trà sẽ có hương vị và mùi thơm khác nhau, tuy nhiên nếu được ủ đúng cách thì thành phẩm cuối cùng sẽ giữ được vị trà đặc trưng có phần chát nhè nhẹ, thanh mát và dư vị thơm, bền, nồng hậu. Chính vì thế, quá trình ủ trà đóng vai trò rất quan trọng trong việc cho ra chất lượng trà chuẩn vị. Quá trình này sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố bao gồm: 

  • Nhiệt độ nước: Tùy thuộc vào loại trà sẽ sử dụng nhiệt độ nước khác nhau, như ủ trà xanh nên dùng nước từ 70-80 độ C, trà đen khoảng 80-90 độ C, và trà oolong ở nhiệt độ 90 độ C,…
  • Thời gian ủ trà: Thông thường, với số lượng trà ít thì chỉ cần ủ trong khoảng 3-5 phút là thích hợp nhất, nhưng nếu lượng trà nhiều có thể ủ kéo dài lên đến 30 phút. Thời gian ủ càng lâu, hương vị trà sẽ càng đậm đặc. Tuy nhiên, nếu muốn pha chế trà sữa đậm vị ngon thì nên sử dụng nhiều trà thay vì ủ trong thời gian quá lâu nhằm giữ được vị trà đậm tự nhiên thay vì có vị quá gắt (bị đặc).
  • Chất lượng cốt trà: Như đã nói thì cốt trà ngon và thơm là linh hồn của một ly trà sữa. Cho dù đã ủ trà đúng cách, canh đúng nhiệt độ và thời gian nhưng chất lượng cốt trà kém vẫn có thể ảnh hưởng đến hương vị trà thành phẩm. Chỉ khi có được nguyên liệu tốt thì mới đảm bảo được mùi vị trà thơm ngon và không bị đắng gắt. 

Cuối cùng, để pha chế được một ly trà sữa đậm vị chuẩn thì tỷ lệ sữa cũng cần đong đếm cẩn thận để cân bằng giữa vị trà và vị sữa, tránh để cốc trà sữa bị vị trà lấn át sẽ không có được độ thơm béo của sữa, và ngược lại vị sữa lấn át cũng sẽ làm mất đi vị trà ngon vốn có. Nhiều người yêu thích trà sữa đậm vị nhận xét món thức uống này có thể cảm nhận được hương vị trà rõ nét hơn nhưng lại không bị ngấy ngọt do sữa như các loại trà sữa thông thường khác.

1.2. Xu hướng trà sữa đậm vị xuất phát từ đâu? 

Thức uống trà sữa đã du nhập vào Việt Nam khá lâu từ đầu những năm 2000, nhưng phải đến năm 2013 mới thật sự bùng nổ và tạo nên nhiều làn sóng mới trong văn hóa thưởng thức đồ uống của giới trẻ. Các quán trà sữa lúc bấy giờ chủ yếu kinh doanh theo hình thức trà sữa nhượng quyền các thương hiệu đến từ Đài Loan, Hongkong, Trung Quốc,… Tuy nhiên, sau đó trà sữa cũng dần trở nên bão hòa theo thời gian do có quá nhiều thương hiệu chen chúc nhau trên thị trường nhưng không có điểm riêng biệt rõ ràng. Hầu hết các thương hiệu đều sở hữu menu có nhiều món “na ná” nhau, hương vị cũng có điểm tương đồng do sử dụng hương liệu công nghiệp và công thức pha chế ít có sự sáng tạo. 

Vậy nhưng đến những năm gần đây, thị trường trà sữa như được dậy sóng trở lại với xu hướng trà sữa đậm vị từ các thương hiệu Việt như Phúc Long, Phê La, Cheese Coffee, hay Katinat Saigon Kafe. Trên thực tế, một trong những thương hiệu đi đầu trong việc quảng bá trà sữa đậm vị là Phúc Long với rất nhiều sản phẩm từ trà nổi bật. Trà tại Phúc Long được thu hoạch thủ công và không sử dụng hương liệu công nghiệp, thương hiệu cũng luôn cam kết về chất lượng trà của mình. Thậm chí vào năm 2007, Phúc Long đã đầu tư sở hữu riêng một đồi chè tại Thái Nguyên nhằm bảo vệ chất lượng tự nhiên vốn có của trà Thái Nguyên và mang đến cho khách hàng thức uống ngon nhất. Tuy nhiên, Phúc Long khi đó xuất hiện trong tâm trí của khách hàng là một thương hiệu có chất lượng trà ngon, thơm, và chuẩn vị, nhưng thật sự chưa phổ biến với từ khóa “đậm vị”.

Cho đến khi có sự xuất hiện của Phê La – một thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” so với rất nhiều cái tên nổi tiếng khác, nhưng đã nhanh chóng vươn lên và nổi bật với câu chuyện  thương hiệu về hành trình đi tìm “đậm vị nguyên bản”. Phê La thành công định vị tên tuổi của mình trong tâm trí của khách hàng là một thương hiệu luôn mang đến chất lượng trà đậm vị, chỉ phục vụ hương vị trà đặc thù địa phương, và khẳng định mạnh mẽ với câu nói “Chúng tôi bán Ô Long đặc sản Đà Lạt” có thể nhìn thấy ngay tại mặt tiền của bất cứ cửa hàng Phê La nào. Cũng từ đây, từ khóa “trà sữa đậm vị” bắt đầu được tìm kiếm nhiều hơn và trở thành xu hướng mới trên thị trường. Khách hàng ngày càng ưa chuộng trà sữa đậm vị, vừa là để thưởng thức chất lượng trà chuẩn, vừa là để “bắt trend”, thể hiện bản thân là một người thức thời “có gu”.

Không chỉ vậy, xu hướng trà sữa đậm vị còn xuất phát từ tinh thần ủng hộ nông sản nước nhà. Khách hàng ngày nay rất chú trọng đến trách nhiệm xã hội của thương hiệu, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Phê La đã nhanh nhạy nắm bắt điều này và liên tục thể hiện trách nhiệm xã hội của mình qua lời cam kết đồng hành cùng người nông dân trong quá trình sản xuất và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đặc sản. Chính vì thế, từ khóa “trà sữa đậm vị” càng được nhấn mạnh thêm, luôn xuất hiện mỗi chiến dịch của Phê La và vẫn giữ vững được “độ hot” của mình.

2.  Các thương hiệu sở hữu món trà sữa đậm vị được ưa chuộng nhất

2.1. Phúc Long

Ngay từ những ngày đầu ra mắt, Phúc Long đã sở hữu thế mạnh nổi bật về sản phẩm có hương vị chuẩn chất lượng tự nhiên của trà Thái Nguyên. Các thức uống Phúc Long vừa mang nét truyền thống từ những lá trà được thu hoạch thủ công, nhưng cũng vừa hiện đại với các sự kết hợp nguyên liệu sáng tạo nhằm đáp ứng gu thưởng thức của mọi đối tượng khách hàng. Trải qua hơn 50 năm chắt chiu tinh hoa từ những búp trà non tươi nguyên và hạt cà phê thượng hạng cùng mong muốn mang lại cho khách hàng những trải nghiệm giá trị nhất khi thưởng thức, Phúc Long liên tục là thương hiệu tiên phong với nhiều ý tưởng sáng tạo đi đầu trong ngành trà và cà phê. 

Được mệnh danh là “vua trà” trong chất lượng thức uống nhờ vào hương vị đậm đà và thơm ngon, menu Phúc Long hiện có một số loại trà sữa đậm vị “signature” như Trà Sữa Phúc Long, Trà Oolong Sữa, Trà Đào Sữa, Hồng Trà Sữa,… với mức giá chỉ từ 50.000 – 55.000 đồng/ly. Ngoài trà sữa đậm vị, Phúc Long còn sở hữu các món thức uống làm từ trà khác nhưng không dùng chung với sữa để đa dạng lựa chọn cho khách hàng như Hồng Trà Đác Cam, Trà Lài Đác Thơm, Trà Hoa Hồng, Trà Lài, Trà Sen,… Tất cả đều được pha chế từ những lá trà được chọn lọc kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng về hương vị. Khách hàng có thể thưởng thức Phúc Long tại nhiều cửa hàng trên toàn quốc. 

2.2. Phê La

Nổi tiếng với lời khẳng định mạnh mẽ “Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt”, Phê La tự tin là thương hiệu đầu tiên và duy nhất phát triển dòng sản phẩm từ lá trà ô long thượng hạng. Chính nhờ điểm này mà dù có rất nhiều thương hiệu cũng sử dụng trà ô long trong pha chế thức uống, thế nhưng cách Phê La định vị thương hiệu của mình đã tạo nên điểm khác biệt và ghi dấu trong tâm trí khách hàng về chất lượng trà đặc trưng. Để khi nhắc đến trà sữa đậm vị hay trà Ô long đặc sản, người ta cũng đều sẽ nhớ ngay đến Phê La, nhờ đó đưa Phê La vươn lên giữa thị trường chật đầy những thương hiệu nổi tiếng từ trước.

Một trong những điểm hạn chế của Phê La là menu không quá đa dạng như các thương hiệu khác, chỉ khoảng 15 loại thức uống. Tuy nhiên hầu hết đều xoay quanh dòng sản phẩm chính là trà Ô Long đặc sản, đảm bảo mang đến cho khách hàng trải nghiệm thức uống chuẩn đậm vị nhất. Khách hàng đến với Phê La có thể lựa chọn Trà Sữa Ô Long và Ô Long Nhài Sữa – hai món best seller và cũng là “signature” đã làm nên tên tuổi thương hiệu với mức giá 50.000 – 55.000 đồng/ly. Phê La hiện đang có chuỗi hệ thống gồm 15 cửa hàng tại TP. HCM, Hà Nội, và Đà Lạt. 

2.3. Cheese Coffee

Cheese Coffee là cái tên vô cùng quen thuộc với giới trẻ Sài thành, luôn là điểm đến được lựa chọn mỗi khi có nhu cầu học tập, làm việc, hay gặp gỡ bạn bè. Không chỉ thu hút khách hàng bằng thiết kế kiến trúc theo phong cách industrial hiện đại, chất lượng phục vụ tuyệt vời, cùng đội ngũ nhân viên trẻ năng động, Cheese Coffee còn tạo ấn tượng với chất lượng thức uống đậm vị, nổi bật là Trà Sữa Nguyên Lá và Trà Sữa Lài.

Đây là hai thức uống được nhiều người lựa chọn nhất trong menu Cheese Coffee. Khi thưởng thức ly Trà Sữa Nguyên Lá hoặc Trà Sữa Lài, khách hàng sẽ cảm nhận được vị trà đặc trưng, đậm vị do nhà Cheese chọn lọc kĩ lưỡng hoàn toàn bằng thủ công được hòa quyện cùng vị sữa thơm béo. Đặc biệt, khi dùng kèm cùng các loại topping khác như trân châu hay kem phô mai sẽ càng giúp hai món trà sữa đậm vị này thêm phần ngon hơn. Bên cạnh, Trà Sữa Lài Hạnh Nhân, Trà Sữa Caramen hay Trà Sữa Oolong cũng là những cái tên trà sữa đậm vị best seller của Cheese Coffee. Hiện nay Cheese Coffee đang sở hữu chuỗi hệ thống 20 cửa hàng bao gồm 19 chi nhánh tại Sài Gòn và 1 chi nhánh mới mở tại Hà Nội.

2.4. Katinat Saigon Kafe

Katinat Saigon Kafe chắc hẳn là cái tên không còn quá xa lạ với giới trẻ, nhất là trong thời gian gần đây Katinat liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng của mình và chiếm trọn mặt tiền lớn đầy bắt mắt tại các khu vực trung tâm của nhiều tỉnh thành. Katinat chinh phục khách hàng với hơn menu đa dạng hơn 40 loại thức uống khác nhau, từ cà phê, sữa chua đến đá xay, và tất nhiên là không thể thiếu những món trà sữa đậm vị đã góp phần lớn vào thành công của thương hiệu. Katinat luôn tự hào mang đến cho khách hàng những sản phẩm với hương vị đặc sắc được pha chế từ những búp trà ô long được trồng và thu hoạch trực tiếp từ cao nguyên Mộc Châu. 

Đến với Katinat Saigon Kafe, khách hàng có thể chọn lựa Trà Ô Long Tứ Quý Sữa, Trà B’lao Sữa, Trà Ô Long Nướng Sữa, hay Trà Sữa Hồng D’ran vừa ra mắt để được thưởng thức món trà sữa đậm vị thơm ngon. Các món trong menu Katinat dao động từ 60.000 – 65.000 đồng/ly, tuy có nhỉnh hơn một chút so với thương hiệu khác nhưng với hương vị trà sữa đậm vị đầy tinh tế, thơm, và ngọt thanh chắc chắn sẽ “tán đổ” khách hàng hoàn toàn. Bên cạnh thức uống ngon, menu Katinat Saigon Kafe còn sở hữu các loại topping “có một không hai” như Trân Châu Phô Mai Dẻo, Phô Mai Jelly, hay Trân Châu Caramel. Chuỗi hệ thống của Katinat đang sở hữu gần 50 cửa hàng tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam như TP. HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai,… nhưng trong thời gian tới sẽ khai trương thêm cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, chính thức Bắc tiến để mở rộng thương hiệu của mình. 

Có thể thấy, trà sữa đậm vị nổi lên như một xu hướng đã giúp các thương hiệu ngày càng thu hút khách hàng, nâng cao doanh số bán hàng và quảng bá tên tuổi của mình. Đồng thời, đây cũng cơ hội kinh doanh cho những ai muốn bước chân vào lĩnh vực F&B. Nếu như những thương hiệu lớn tập trung vào phân khúc khách hàng từ tầm trung đến cao cấp, thì những cái tên mới có thể đánh vào phân khúc khách hàng bình dân cũng đầy tiềm năng. 

Nguồn: FnB Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *