Năm nào cũng đón Trung Thu với những kí ức về chị Hằng, chú Cuội, bánh trung thu, rước đèn. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi “Vì sao Trung Thu lại gắn liền đối với những kí ức đó chưa?”. Cùng mình giải đáp và điểm qua những sự thật về Tết Trung Thu không phải ai cũng từng nghe qua nha.
Trung thu không phải bắt đầu từ giữa mùa thu. Thật ra, Trung Thu được xem là một khoảnh khắc chuyển giao từ hè sang thu, tức là từ đầu tháng 9 tới đầu tháng 10 dương lịch. Tuy nhiên, tên gọi Trung Thu là bởi nó diễn ra vào giữa tháng 8 âm lịch – theo quan niệm của người xưa là vào giữa mùa thu và đây được xem là khoảnh khắc trăng tròn và sáng nhất.
Tết Trung Thu có ảnh hưởng như Tết Âm lịch. Mình cứ tưởng Tết Âm lịch là dịp tết lớn nhất năm nhưng Tết Trung Thu cũng quan trọng không kém khi là biểu tượng của nền văn minh lúa nước Việt Nam ngày xưa. Vào giai đoạn này, công việc gieo trồng đã hoàn tất, mọi người chuẩn bị một mâm cỗ để cúng gia tiên, sum vầy bên gia đình với những chiếc bánh nướng bánh dẻo, ngắm trăng và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Những sự kiện này không khác gì khi chuẩn bị cho ngày Tết Âm lịch cổ truyền hết đó.
Trong một nghiên cứu về Tết Trung Thu của các nước trong đó có Việt Nam có đề cập đến hình ảnh trăng như sau, “Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam nếu ánh trăng trong sáng thì mùa màng sang năm sẽ bội thu, còn ánh trăng u ám thì năm sau mùa màng không được như ý. Năm nào không có trăng thì coi như bị mất mùa cả hai vụ”. Điều này cho thấy sự quan trọng của Tết Trung Thu đối với người Việt xưa.
Tết Trung Thu là phải rước đèn. Tết Trung Thu hay được xem là tết thiếu nhi chính vì thế hình thức rước đèn Trung Thu được xem là mang ý nghĩa giáo dục bởi vì mỗi hình dáng chiếc đèn đều gắn với một sự kiện lịch sử như là:
+ Đèn cá chép gắn với truyền thuyết cá chép vượt Vũ môn hóa Rồng thể hiện tinh thần vượt khó, ý chí bền bỉ
+ Đèn thỏ ca ngợi tấm lòng từ bi và sự hy sinh cao cả
+ Đèn ông sao gợi nhớ cuộc Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945
Hồi đó, năm nào cũng làm đèn Trung Thu hình ngôi sao nên mình có biết đến ý tưởng đèn ông sao chỉ có 5 cánh. Tức là trước 1945 là sẽ có 6 cánh nhưng vì sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nhà đều chuyển sang làm đèn sao 5 cánh và có cờ đỏ sao vàng cắm trang trí trên đèn có lẽ thể hiện lòng tự hào dân tộc
Mình sinh ra trong thời bình nên những kí ức của mình về Tết Trung Thu rất đơn giản chỉ có được rước đèn Trung Thu, ăn bánh, được trường tổ chức múa lân , múa sư tử , múa rồng, được nghe kể đi kể lại về chú cuội ngồi gốc cây đa,… Với mỗi độ tuổi sẽ có cách chiêm nghiệm về Tết Trung Thu khác nhau nhưng đều với điểm chung là sum vầy cùng gia đình, bạn bè và tận hưởng những chiếc bánh thơm ngon cùng thưởng thức trà và ngắm trăng.