FOMO – Tuyệt chiêu marketing thúc đẩy doanh số ngành F&B

Hội chứng FOMO là một trong số những lý do phổ biến khiến nhiều khách hàng chạy theo các thương hiệu mới để bắt kịp xu hướng và thoát khỏi tâm lý sợ bị lỗi thời. Đây cũng là một thủ thuật marketing giúp các thương hiệu F&B có thể thu hút khách hàng, gia tăng doanh thu vô cùng hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu về FOMO và cách áp dụng “bẫy tâm lý” này để marketing cho nhà hàng, quán cafe trong bài viết dưới đây!

1. Hiệu ứng FOMO là gì?

FOMO được viết tắt từ Fear Of Missing Out – một thuật ngữ chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất cơ hội. Một nghiên cứu cho thấy FOMO là biểu hiện tâm lý căng thẳng và lo lắng mà mọi người gặp phải khi không có được những trải nghiệm thú vị, vui vẻ, hạnh phúc mà người khác đang có. 

Do đó, người rơi vào hội chứng này thường đưa ra các quyết định thiếu lý trí dựa vào mong muốn “người khác có thì mình cũng phải có” vì không muốn rơi vào trạng thái “tối cổ”. Nói dễ hiểu chính là tâm lý “được ăn cả”, “đua đòi”, “a dua”. Tóm lại, FOMO khiến mọi người khao khát được trở thành một phần của xu hướng, đưa ra các quyết định mua hàng dựa trên cảm tính chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân. 

2. Tính hiệu quả của hiệu ứng FOMO trong marketing ngành F&B

Hội chứng FOMO đang trực tiếp tác động đến hành vi và thói quen sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài của khách hàng hiện nay, đặc biệt đối với những người thuộc gen Z (sinh năm 1996 – 2012) – thế hệ chiếm một phần lớn sức mua của thị trường. Vì vậy, nhiều thương hiệu F&B đã nhanh chóng nắm bắt và sử dụng FOMO như một đòn bẩy tâm lý trong công cuộc bán hàng. 

Có đến 80% khách hàng quyết định chi tiền chỉ vì “thích” và “muốn” mà đôi khi nhu cầu chưa thật sự đạt ngưỡng. Nhà hàng, quán cafe có thể thúc đẩy cảm xúc khách hàng bằng cách tạo ra các chiến dịch marketing áp dụng sự khan hiếm, cấp bách hay độc quyền cho sản phẩm. Nếu biết cách áp dụng khéo léo, đây thực sự là một “bẫy tâm lý” hiệu quả để đem lại doanh thu “khủng” cho nhà hàng, quán cafe. 

Phản ứng FOMO mạnh nhất ở những người thường xuyên đặt đồ ăn online, đặc biệt là trên website, và các trang mạng xã hội. Thông qua các nền tảng online hiện đại, thương hiệu F&B có thể xây dựng phương án tiếp cận đối tượng mục tiêu, truyền tải những thông điệp qua nội dung, hình ảnh, video,… để khai thác “trúng” điểm rơi tâm lý của khách hàng – nỗi sợ mất cơ hội. Từ đó, khách hàng sẽ ngay lập tức bị “sập bẫy” và ra quyết định mua hàng nhanh chóng. 

3. Cách thủ thuật áp dụng FOMO dành cho nhà hàng, quán cafe

Dưới đây là một số gợi ý làm thế nào để tăng doanh số khi áp dụng hội chứng FOMO vào các chiến dịch marketing:

3.1. Tạo sự khan hiếm cho sản phẩm 

Sự khan hiếm là một yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý khách hàng nếu muốn áp dụng “bẫy tâm lý” FOMO. Việc một sản phẩm có số lượng giới hạn và chỉ một số người có cơ hội sở hữu sẽ tạo động lực rất lớn để khách hàng mong muốn có được nó. Vì thế, các thương hiệu nên tìm cách nhấn mạnh sự khan hiếm để đẩy nhanh tốc độ suy nghĩ và ra quyết định của khách hàng. 

Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, có nhiều cách để làm nổi bật sự khan hiếm. Chẳng hạn như số lượng sản phẩm giới hạn, thời gian mở bán giới hạn,… Ngoài ra, các thương hiệu cần sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền tải thông điệp trong các tài liệu marketing để “cài cắm” hiệu ứng FOMO tới đối tượng mục tiêu. Các cụm từ như “Đừng bỏ lỡ” hay “Những sản phẩm cuối cùng đang được gửi tới khách hàng”, “Bạn có thể nuối tiếc nếu không thử thức uống giới hạn mùa Giáng sinh lần này”,… đều là ví dụ hay. 

Starbucks là một thương hiệu rất khôn khéo trong việc thực hiện các chiến lược tạo sự khan hiếm cho sản phẩm của mình. Cứ tới mùa Giáng sinh hàng năm, Starbucks lại khiến dân tình phải “chao đảo” vì bộ sưu tập đồ uống phiên bản giới hạn mùa lễ hội. Trong đó, Toffee Nut Crunch Latte là thức uống liên tục cháy hàng do được khách hàng đua nhau thưởng thức và check-in. Hơn nữa, vì chỉ được bán duy nhất 1 tuần trong năm, chính sự khan hiếm này biến Toffee Nut Crunch Latte trở thành thức uống vô cùng giá trị và khiến ai cũng phải mua bằng được – đây cũng là một cách để thể hiện bản thân của giới trẻ.  

3.2. Tặng quà phiên bản giới hạn

Bên cạnh chiến thuật tạo ra sự khan hiếm cho sản phẩm, nhà hàng/cafe cũng có thể ra mắt những quà tặng phiên bản giới hạn dành tặng cho khách hàng may mắn. Tuy nhiên, thương hiệu có thể làm cho chiến thuật này hiệu quả hơn nữa bằng cách giới hạn số người nhận quà tặng. Chẳng hạn như tặng quà cho 100 đơn hàng online đầu tiên, 50 người mua combo XYZ đầu tiên,… 

Lựa chọn những món quà tặng như thế nào sẽ phụ thuộc vào đối tượng mục tiêu của thương hiệu. Nếu khách hàng chủ yếu là dân văn phòng thì bình giữ nhiệt, bình đựng nước, cốc sứ,… sẽ là những món quà được ưa chuộng. Ngược lại, những món quà như thú bông, móc chìa khóa,… sẽ có sức hút với đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên. Khi người này thấy người kia có món quà độc quyền của thương hiệu nào đó thường sẽ cảm thấy “ghen tị” và ngay lập tức cũng mua hàng để sở hữu món quà đó.  

Trong mùa lễ Giáng sinh vừa qua, thương hiệu Domino Pizza đã thực hiện chương trình marketing: “Tặng “bé” Tuần Lộc Đỗ Mi Nô cưng hết sảy – yêu màu trắng, chung thủy với màu xanh dương, cần tìm một vòng ôm để đỡ cô đơn trong mùa Giáng sinh sắp tới. Bé hứa sẽ ngoan, có ai muốn ôm về “cưng nựng” không nè? Để rước bé chỉ cần order 1 trong 3 combo từ Domino’s Pizza. Nhiệt tình “rao bán” thế thôi chứ bé Tuần Lộc Đô Mi Nô hơi bị hot đấy, không rước là mất à nha!” Domino Pizza đã áp dụng hội chứng FOMO vô cùng hiệu quả trong chiến dịch marketing lần này. 

3.3. Miễn phí vận chuyển trong khung giờ nhất định

90% khách hàng cho biết miễn phí vận chuyển (Freeship) là một trong những ưu tiên chính của họ khi lựa chọn đặt đồ ăn online. Các ưu đãi vận chuyển miễn phí khi đơn hàng có giá trị vượt trên một số tiền tối thiểu nào đó – chính là được thiết kế dựa trên bản chất của hiệu ứng FOMO. Và những chương trình này luôn đạt được hiệu quả để thúc đẩy doanh thu online. 

Hơn nữa, để kích thích khách hàng ra quyết định đặt hàng nhanh chóng hơn, hãy giới hạn áp dụng mã khuyến mãi trong một khung giờ nhất định với số lượng hạn chế. Khách hàng sẽ “sợ mất cơ hội mua giá rẻ” – đây chính là một trong những “chiêu” hiệu quả mà các thương hiệu muốn đẩy mạnh bán đồ ăn online thường dùng. Những thông điệp quảng cáo “Chỉ 50 mã freeship duy nhất cho 50 người đầu tiên” sẽ kích thích người mua quyết định đặt hàng ngay “trước khi hết”.

Đưa tâm lý học hành vi vào các chiến dịch marketing cho nhà hàng, quán cafe là một ý tưởng vô cùng tiềm năng để thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số một cách đáng kể. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các chủ quán có thêm gợi ý để áp dụng FOMO vào mô hình kinh doanh của mình hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *