Chỉ xuất hiện trong khoảng hai năm trở lại đây, thế nhưng Phê La đã nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật trong thị trường kinh doanh trà sữa hiện nay, trở thành đối thủ “đáng gờm” với nhiều thương hiệu tên tuổi khác. Nhờ vào chiến lược kinh doanh tài tình và khéo léo đã tạo nên thành công vang dội cho Phê La. Bài viết này sẽ phân tích và nghiên cứu chiến lược kinh doanh Phê La để biết thương hiệu này đã có những nước đi khéo léo như thế nào.
1. Tổng quan về thương hiệu trà sữa Phê La
Phê La chính thức có mặt trên thị trường từ tháng 3 năm 2021, ngay thời điểm đại dịch vẫn đang căng thẳng, và thị trường trà sữa cũng gần như đã bão hòa. Tưởng chừng như mọi thách thức sẽ làm chùn bước thương hiệu trà sữa này, thế nhưng chỉ một năm sau đó, Phê La nhanh chóng vươn lên nhờ vào lối đi khác biệt, từng bước khẳng định mình và phát triển ổn định cho đến hiện tại.
Tuy không có báo cáo rõ ràng nào về con số doanh thu hay lợi nhuận của thương hiệu này, nhưng thực tế chứng minh, thương hiệu này đã thành công trở thành một “hiện tượng” với giới trẻ. Sau hơn một năm phát triển và mở rộng, Phê La đang sở hữu 20 cửa hàng tại ba thành phố lớn, bao gồm Đà Lạt, TP. HCM và Hà Nội. Tuy “sinh sau đẻ muộn” và ra đời trong hoàn cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng với chiến lược kinh doanh thông minh và bài bản đã giúp Phê La thành công thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng và ngày càng mở rộng chuỗi cửa hàng của mình.
Chiến lược kinh doanh tập trung chính vào sản phẩm cốt lõi, chất lượng dịch vụ, mô hình độc đáo, và cách truyền thông hiệu quả. Nhờ vậy, Phê La vẫn có thể tạo dựng được chỗ đứng vững chắc cho mình giữa muôn vàn tên tuổi cạnh tranh gay gắt và góp mặt trong số những thương hiệu trà sữa được yêu thích nhất hiện nay.
2. Phân tích mô hình SWOT trong chiến lược kinh doanh Phê La
SWOT là một trong những mô hình kinh điển giúp phân tích tình hình kinh doanh tổng quan của một thương hiệu, bao gồm 4 yếu tố điểm mạnh (Strength), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats). Chiến lược kinh doanh Phê La cũng được hình thành dựa trên 4 yếu tố này, cụ thể:
2.1. Điểm mạnh (Strength)
Nguồn nguyên liệu đặc sản chất lượng từ Đà Lạt: Thương hiệu sở hữu nguồn nguyên liệu trà Ô Long được thu hoạch trực tiếp và sơ chế thủ công từ nông trại tại Đà Lạt, đảm bảo hương vị thức uống đậm vị trà, khác hoàn toàn so với các hương liệu công nghiệp.
Menu thức uống sáng tạo: Phê La sở hữu loạt thức uống có cách pha chế sáng tạo và được đặt tên gắn liền với hình ảnh Đà Lạt, tạo nên nét riêng cho menu và thu hút khách hàng.
Bao bì thân thiện với môi trường: Toàn bộ cốc đựng đều sử dụng chất liệu giấy nhằm bảo vệ môi trường, qua đó xây dựng ấn tượng tốt đẹp với khách hàng.
Chất lượng dịch vụ tốt: phát triển chất lượng dịch vụ luôn lấy khách hàng làm trung tâm.
Concept độc đáo: Giữa vô vàn thương hiệu đi theo phong cách hiện đại và sang trọng, thì thương hiệu này lại như “làn gió mới” với phong cách cắm trại, du mục, thành công tạo sự hiếu kỳ và thích thú của đông đảo khách hàng.
Giá trị cốt lõi và câu chuyện thương hiệu ấn tượng: Phê La thành công định vị trong tâm trí khách hàng về những giá trị cốt lõi và câu chuyện thương hiệu gắn liền với hành trình nâng niu và phát triển trà Ô Long Đà Lạt.
Độ phủ chuỗi mạnh mẽ: Chính thức xuất hiện vào tháng 3 năm 2021 và bắt đầu có tiếng vang vào năm 2022, tuy chỉ mới hoạt động trong vòng 2 năm thế nhưng Phê La đã sở hữu 20 cửa hàng trên ba thành phố lớn. Với tốc độ mở rộng này đã có thể đánh giá là con số ấn tượng cho một thương hiệu mới, và cũng là lợi thế.
2.2. Điểm yếu (Weaknesses)
Menu thức uống chưa đa dạng: Tuy sở hữu nhiều lợi thế trong nguyên liệu pha chế và chất lượng thức uống, thế nhưng điểm yếu của menu Phê La là vẫn chưa được đa dạng. Toàn bộ menu chỉ khoảng 15 loại thức uống, và hầu hết đều xoay quanh dòng sản phẩm chính là trà Ô Long.
Giá thành khá cao: So với mặt bằng giá chung các thương hiệu trên thị trường hiện nay, mức giá trong menu Phê La thuộc phân khúc tầm trung đến cao cấp. Nếu cạnh tranh về giá với các đối thủ khác có thể sẽ phần nào “yếu thế” hơn.
2.3. Cơ hội (Opportunities)
Thị trường trà và trà sữa “siêu” tiềm năng: Nói thị trường trà sữa đã gần như bão hòa, thế nhưng thực tế, trà sữa vẫn luôn giữ được “độ hot” của mình, và là thức uống được giới trẻ yêu thích hàng đầu. Theo báo cáo của Statista, Việt Nam cũng là một trong ba nước có lượng tiêu thụ trà sữa lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Xu hướng yêu thích sản phẩm đặc sản: Từ khóa “trà đặc sản” và “cà phê đặc sản” đang là xu hướng rất được giới trẻ yêu thích trong vài năm trở lại đây.
Sự hấp dẫn của Đà Lạt với giới trẻ: Đà Lạt vẫn luôn là điểm đến lý tưởng với các bạn trẻ yêu du lịch. Chính vì thế, những đặc sản địa phương đến từ Đà Lạt cũng sẽ được đón nhận một cách tích cực.
2.4. Thách thức (Threats)
Nhiều đối thủ mạnh: Ngay từ khi “chào đời”, Phê La đã nghiễm nhiên sẽ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ như Phúc Long, Cheese Coffee, Koi Thé, Gong Cha, The Alley,…
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh: Sau đại dịch Covid, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sức khỏe. Trong khi đó, trà sữa lại được xem là thức uống không lành mạnh, điều này đã tạo nên thách thức chung cho thị trường trà sữa.
Tình hình lạm phát nghiêm trọng: Tất cả các loại chi phí cần thiết để vận hành một cửa hàng trà sữa như mặt bằng, nguyên vật liệu, nhân công,… đều đồng loạt tăng cao do chịu ảnh hưởng từ tình hình lạm phát, buộc Phê La phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn để cân bằng giữa lợi nhuận và trải nghiệm hài lòng của khách hàng.
3. Chiến lược kinh doanh Phê La: Sự khác biệt làm nên thành công
Tận dụng tốt các lợi thế về chất lượng nguyên liệu, thức uống sáng tạo, và sự khôn ngoan trong marketing đã giúp Phê La nhanh chóng lấy lòng khách hàng và chinh phục thị trường. Theo đó, chiến lược kinh doanh Phê La được phát triển từ những yếu tố sau:
3.1. Chiến lược kinh doanh Phê La: Tập trung vào thị trường ngách
Ra đời trong thời điểm thị trường đã có nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng như Phúc Long, Cheese Coffee, Koi Thé, Gong Cha,… tạo nên áp lực không nhỏ với thương hiệu “non trẻ” như Phê La lúc bấy giờ. Thế nhưng thay vì cạnh tranh trực tiếp, Phê La lại lựa chọn tập trung vào thị trường ngách của mình, tìm kiếm lối đi riêng để xây dựng vị thế cho bản thân.
Cũng nhắm vào đối tượng mục tiêu là nhóm khách hàng trẻ, nhưng khác với những tên tuổi lớn định vị thương hiệu dựa trên phân khúc cao cấp hay giá rẻ, Phê La lại định vị mình là thương hiệu cung cấp trà đặc sản Đà Lạt. Nắm bắt được xu hướng khách hàng trong vài năm trở lại đây ngày càng quan tâm và ủng hộ thị trường nông sản Việt Nam, Phê La nhanh chóng tận dụng cơ hội này để tiếp cận khách hàng. Đồng thời, thực hiện sứ mệnh của mình là đồng hành cùng người nông dân trong quá trình sản xuất và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đặc sản.
3.2. Chiến lược kinh doanh: Cung cấp sản phẩm đặc thù
“Chúng tôi bán Ô Long đặc sản Đà Lạt” như lời khẳng định chất lượng nguồn nguyên liệu, cũng như hương vị thức uống của Phê La. Khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy lời khẳng định này ngay từ bên ngoài thiết kế cửa hàng của bất kỳ chi nhánh thương hiệu này nào. Không ít thương hiệu cũng sử dụng trà Ô Long trong pha chế thức uống, thế nhưng cách Phê La khẳng định mình là thương hiệu cung cấp sản phẩm đặc thù địa phương chứ không chỉ là trà thông thường đã tạo nên điểm khác biệt và ghi dấu trong tâm trí khách hàng về chất lượng trà đặc trưng. Đến hiện tại, Phê La tự tin là thương hiệu đầu tiên và duy nhất phát triển dòng sản phẩm từ lá trà ô long thượng hạng.
Một trong những điểm yếu của Phê La là giá thành khá cao so với mặt bằng chung, nhưng đổi lại, menu Phê La lại sở hữu chất lượng nguồn nguyên liệu đặc sản, đảm bảo mang đến cho khách hàng trải nghiệm thức uống chuẩn vị nhất. Chính điều này mà dù có mức giá khá cao, thì Phê La vẫn có thể thu hút đông đảo khách hàng, chinh phục cả những vị khách khó tính.
3.3. Chiến lược kinh doanh: Phát triển mô hình độc đáo
Ngoài sở hữu nguồn nguyên liệu đặc sản, thì mô hình kinh doanh độc đáo vừa là thế mạnh vừa là chiến lược kinh doanh Phê La. Trong khi các thương hiệu trà sữa, cà phê ngày nay hướng đến sự năng động, hiện đại và sang trọng với các phong cách chủ đạo như Minimalism, Industrial, hay Vintage là trend một thời gian dài, thì Phê La lại gây ấn tượng với phong cách cắm trại, du mục.
Là một thương hiệu cung cấp trà đặc sản Đà Lạt, do vậy các cửa hàng của Phê La cũng mang đậm không khí Đà Lạt với thiết kế như một khu cắm trại nhỏ giữa lòng thành phố, thoáng đãng, dễ chịu và đơn giản. Khách hàng đến quán không chỉ được thưởng thức hương vị trà đậm đà, mà còn có thể thư giãn và nghỉ ngơi trong không gian siêu “chill” sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi.
3.4. Chiến lược kinh doanh: Đầu tư dịch vụ khách hàng
Bên cạnh những nỗ lực về chất lượng thức uống, bầu không khí thoải mái, thì đội ngũ nhân viên tại Phê La cũng được đào tạo bài bản để mang đến cho khách hàng trải nghiệm trọn vẹn nhất với sự đón tiếp chu đáo và lịch thiệp. Mỗi khách hàng đến quán đều sẽ cảm nhận được những gì tốt nhất mà Phê La đã nỗ lực mang đến cho mọi người.
Tối ưu trải nghiệm của từng khách hàng là tiêu chí hàng đầu của thương hiệu này, là lý do vì sao mà mọi dịch vụ, sản phẩm của Phê La đều xoay quanh yếu tố con người. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi của chiến lược kinh doanh Phê La giúp thương hiệu xây dựng được tệp khách hàng trung thành vững chắc cho mình.
3.5. Chiến lược kinh doanh: Làm truyền thông hiệu quả
Không rầm rộ với nhiều chiến dịch marketing “tắc kè hoa” như các thương hiệu khác, Phê La tập trung thực hiện các chiến dịch truyền thông nhắm vào thị trường ngách của mình và chắc chắn có thể mang lại hiệu quả tốt. Một trong những chiến dịch marketing nổi bật của Phê La chính là các TVC được đầu tư chỉn chu về chất lượng hình ảnh, âm thanh, và câu chuyện về nhiều chủ đề khác nhau như “Hành trình đi tìm hương vị nguyên bản của Ô Long đặc sản”, “Khi hạnh phúc từ cây trà Ô Long Đặc Sản”, “Phê La – Nốt Hương Đặc Sản”, “Trân châu Ô Long”,… hay mỗi chi nhánh mới của Phê La cũng đều có TVC giới thiệu riêng.
Tất cả TVC của Phê La đều xoay quanh câu chuyện được kể xuyên suốt về hành trình đi tìm “đậm vị nguyên bản”, đồng bộ toàn diện với định vị ban đầu của thương hiệu. Điều này giúp Phê La ngày càng khắc sâu trong tâm trí khách hàng về một thương hiệu trà sữa với sứ mệnh đồng hành cùng người nông dân trong quá trình sản xuất và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đặc sản. Đồng thời, qua các TVC cũng cho phép khách hàng hiểu thêm về quy trình trồng trọt, thu hoạch và pha chế những lá trà Ô Long “đậm vị nguyên bản”, qua đó thêm tin tưởng vào chất lượng nguyên liệu và thức uống của Phê La.
4. Bài học từ chiến lược kinh doanh Phê La
Tuy có “tuổi đời” còn khá nhỏ so với nhiều thương hiệu lớn khác, thế nhưng thương hiệu này vẫn có thể tạo dựng chỗ đứng riêng cho mình, là thương hiệu điển hình cho câu chuyện chọn lối đi khác biệt để chính xác trong từng điểm “chạm” và làm nên thành công. Khi nhắc đến Phê La, chắc chắn người ta sẽ không thể không nhắc đến những điểm đáng học hỏi như:
4.1. Chọn lối đi riêng để làm nên thành công
Không lựa chọn chạy theo xu hướng hay đi vào lối mòn của những thương hiệu đi trước để phải đặt mình vào vị trí cạnh tranh khốc liệt, Phê La lựa chọn cho mình lối đi riêng, thử sức với những điều mới lạ, để rồi từng bước tiếp cận và thành công chinh phục khách hàng. Cho dù là thức uống, dịch vụ, hay câu chuyện thương hiệu cũng đều mang đậm nét “rất Phê La”, khác biệt hoàn toàn so với các đối thủ khác trên thị trường.
4.2. Tập trung vào phát triển bền vững
Giá trị cốt lõi và sứ mệnh của Phê La đều xoay quanh câu chuyện “Nốt Hương Đặc Sản – Nguyên Bản – Thủ Công” với nỗ lực duy trì hương vị thơm ngon nguyên bản nhất và phát triển bền vững nguồn nông sản cao cấp của Việt Nam, đặc biệt là lá trà ô long đặc sản Đà Lạt. Nếu chỉ quan tâm đến việc mở rộng quy mô và doanh số bán hàng, thì có lẽ thương hiệu này sẽ không đạt được thành công đến thế. Chính nhờ vào câu chuyện phát triển bền vững nguyên liệu đặc sản đã giúp Phê La “lấy lòng” khách hàng, nhất là giới trẻ – nhóm khách hàng đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội của thương hiệu.
4.3. Lấy khách hàng làm trung tâm
Với Phê La không chỉ là kinh doanh, mà đó còn là kết nối cảm xúc. Chính vì thế mà mọi dịch vụ, sản phẩm của Phê La đều xoay quanh yếu tố con người, và đặt tối ưu trải nghiệm của từng khách hàng là tiêu chí hoạt động hàng đầu. Nhờ đó mà thương hiệu không chỉ thu hút khách hàng tiềm năng bởi sự hiếu kỳ về hương vị thức uống hay chất lượng dịch vụ, mà còn thành công giữ chân khách hàng trung thành bởi những trải nghiệm khách hàng tuyệt vời của mình.
Có thể thấy, chiến lược kinh doanh của thương hiệu này là case study điển hình cho những ai muốn bước chân vào lĩnh vực F&B nói chung, và kinh doanh trà sữa nói riêng, cũng như tham khảo để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Phê La, rút kinh nghiệm từ chiến lược kinh doanh Phê La, và chọn được hướng đi đúng đắn cho mình như cách Phê La đang làm.
Nguồn: Fnb Việt Nam
Tham khảo một số sản phẩm nguyên liệu pha chế (còn nữa)